Không đậm đà như lẩu mắm, cũng không nổi tiếng như lẩu cá linh bông điên điển, nhưng lẩu cua đồng vẫn được nhiều người ưu ái lựa chọn, nhất là trong những ngày nắng nóng như hiện nay. Món ăn dân dã này có nhiều ở các tỉnh miền Tây, tùy từng địa phương mà được biến tấu với các thành phần khác nhau như: cua đồng, tôm, ghẹ, các loại rau... tuy nhiên, dù có biến tấu như thế nào đi nữa nó vẫn giữ được hương vị ngọt thanh mát đặc trưng của cua đồng.
Đúng như tên gọi, nguyên liệu chính tạo nên hương vị cho món ăn chính là cua đồng. Những con cua đồng to bằng cườm tay vừa mới được bắt lên từ đồng ruộng được rửa sạch, tách yếm, lấy gạch cua để riêng, sau đó giã nhuyễn cua, luộc kỹ cua với nước, cho vào nồi và thêm ít muối, đường vào nấu sôi. Khuấy nhẹ để riêu cua kết lại, vớt để riêng ra bát, phần nước được sử dụng làm nước lẩu.
Tùy vào từng địa phương mà món ăn này được biến tấu khác nhau về các nguyên liệu ăn kèm. Nếu như thưởng thức món lẩu riêu cua đồng ở Đồng Tháp, bạn sẽ được ăn món lẩu này với các thành phần tôm, giò, bông bí, đọt nhãn lồng, rau trai... có vị nhẫn nhưng lại thanh mát, rất thích hợp trong những ngày trời nắng nóng. Nhưng nếu thưởng thức món này ở vùng Kiên Giang, Bạc Liêu thành phần nguyên liệu lại rất phong phú với ghẹ tươi, cá bống mú, tôm, chả, rau mồng tơi, nấm... vừa tăng thêm vị ngọt tự nhiên vừa thanh mát lại không tạo cảm giác ngấy cho người ăn.
Dù có sự khác nhau nhưng vốn dĩ món lẩu cua đồng cũng không có một chuẩn mực nào nhất định. Nồi lẩu chỉ thật sự hấp dẫn khi nó có vị nồng của cua đồng, vị thơm của hành hoa chưng gạch cua, nước dùng có màu nâu đậm được điểm xuyết thêm màu đỏ của cà chua, xanh non của hành lá, thoang thoảng hương thơm của ngò rí... chỉ chừng đó thôi là đủ để hấp dẫn người ăn.
Trong những ngày nắng nóng như hiện nay, được thưởng thức hương vị thơm ngon, thanh mát của nồi lầu cua đồng bốc khói thì không còn gì lý tưởng bằng.
Post a Comment Blogger Facebook